Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện hành được ban hành tại Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01, 02, 03 và 04; Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/01/2015 của Bộ Tài chính Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07; Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ Tài chính Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10; Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ Tài chính Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11; Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính Ban hành kèm theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13; Thông tư số 28/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 (thay thế Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017)
Tiêu chuẩn số 01: | Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 02: | Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 03: | Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 04: | Những nguyên tắc kinh tế chi phí hoạt động thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 05: | Quy trình thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 06: | Báo cáo kết quả thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá, Hồ sơ thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 07: | Phân loại tài sản trong thẩm định giá |
Tiêu chuẩn số 08: | Cách tiếp cận từ thị trưởng (Phương pháp so sánh) |
Tiêu chuẩn số 09: | Cách tiếp cận từ chi phí (Phương pháp chi phí tái tạo, Phương pháp chi phí thay thế) |
Tiêu chuẩn số 10: | Cách tiếp cận từ thu nhập (Phương pháp vốn hóa trực tiếp, Phương pháp dòng tiền chiết khấu) |
Tiêu chuẩn số 11: | Thẩm định giá bất động sản (Phương pháp chiết trừ, Phương pháp thặng dư) |
Tiêu chuẩn số 12: | Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp |
Tiêu chuẩn số 13: | Thẩm định giá tài sản vô hình. |
Về phân loại tài sản trong thẩm định giá: Tài sản thẩm định giá bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 07, tài sản thẩm định giá có thể phân chia theo các cách sau: (i) Phân loại theo khả năng di dời, tài sản được chia thành: bất động sản và động sản; (ii) Phân loại theo đặc tính vật chất và hình thức mang giá trị, tài sản được chia thành: tài sản hữu hình, tài sản vô hình và tài sản tài chính. Trong thẩm định giá, thẩm định viên cần quan tâm đến khía cạnh pháp lý cùa tài sản đó là quyền tài sản.
Một yếu tố quan trọng cũng cần được làm rõ trước khi tiến hành thẩm định giá là mục đích thẩm định giá. Mục đích thẩm định giá khá đa dạng, bao gồm mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp, tố tụng, phá sản và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở mục đích thẩm định giá và đặc điểm của tài sản thẩm định giá, thẩm định viên xác định cơ sở giá trị của việc thẩm định giá tài sản là giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường. Mặc dù, hoạt động thẩm định giá phần lớn là dựa trên cơ sở giá trị thị trường, tuy nhiên có những loại tài sản riêng biệt, mục đích thẩm định giá riêng biệt đòi hỏi thẩm định giá phải dựa trên giá trị phi thị trường. Giá trị thị trường là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch khách quan, độc lập, có đủ thông tin, các bên tham gia hành động một cách có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc. Trong khi đó, giá trị phi thị trường là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, không phản ánh giá trị thị trường mà căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, chức năng, công dụng của tài sản, những lợi ích mà tài sản mang lại trong quá trình sử dụng, giá trị đối với một số người mua đặc biệt, giá trị khi giao dịch trong điều kiện hạn chế, giá trị đối với một số mục đích thẩm định giá đặc biệt và các giá trị không phản ánh giá trị thị trường khác. Giá trị phi thị trường bao gồm: giá trị tài sản bắt buộc phải bán, giá trị đặc biệt, giá trị đầu tư, giá trị để tính thuế hoặc các giá trị khác.
Quy trình thẩm định giá:
Quy trình thẩm định giá được áp dụng chung trong các cách tiếp cận, các phương pháp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá, bao gồm các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
Bước 2: Lập kế hoạch thẩm định giá.
Bước 3: Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.
Bước 4: Phân tích thông tin.
Bước 5: Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
Bước 6: Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.
Khi tiến hành thẩm định giá, thẩm định viên thực hiện một số nội dung sau:
3.1. Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá
a) Xác định các đặc điểm cơ bản về pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản cần thẩm định giá có ảnh hưởng đến giá trị của tài sản thẩm định giá tại thời điểm thẩm định giá. Trường hợp có những hạn chế trong việc xác định các đặc điểm này, cần nêu rõ trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.
b) Xác định đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá: Đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá là khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết.
c) Xác định mục đích thẩm định giá và thời điểm thẩm định giá căn cứ vào văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, văn bản đề nghị thẩm định giá của khách hàng thẩm định giá hoặc hợp đồng thẩm định giá.
d) Xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá: Căn cứ vào mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của tài sản thẩm định giá thẩm định viên xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá là giá trị thị trường hay giá trị phi thị trường của tài sản.
e) Xác định giả thiết và giả thiết đặc biệt
Thẩm định viên có thể đưa ra giả thiết đối với những thông tin còn hạn chế, chưa chắc chắn ảnh hưởng đến giá trị tài sản thẩm định giá trong trường hợp không khắc phục được những hạn chế này. Các hạn chế về thông tin bao gồm các hạn chế về hồ sơ pháp lý của tài sản thẩm định giá, hạn chế về đặc điểm của tài sản thẩm định giá, hoặc hạn chế về các thông tin khác ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá. Giả thiết đặc biệt về tình trạng của tài sản khác với thực tế tại thời điểm thẩm định giá, tuy nhiên giả thiết này cần được áp dụng để phù hợp với mục đích thẩm định giá theo yêu cầu của khách hàng. Những giả thiết và giả thiết đặc biệt đưa ra phải hợp lý và phù hợp với mục đích thẩm định giá. Các giả thiết đặc biệt cần phải được thông báo và có sự đồng thuận của khách hàng thẩm định giá và đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
3.2. Lập kế hoạch thẩm định giá
Việc lập kế hoạch thẩm định giá nhằm xác định rõ phạm vi, nội dung công việc, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc và tiến độ thực hiện của toàn bộ cuộc thẩm định giá. Nội dung kế hoạch được quy định cụ thể trong Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 5.
3.3. Khảo sát thực tế, thu thập thông tin
Khi tiến hành khảo sát thực tế, thu thập thông tin, thẩm định viên có trách nhiệm kiểm chứng thông tin để bảo đảm độ tin cậy, chính xác trước khi đưa vào phân tích thông tin, áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá. Thẩm định viên phải trực tiếp tham gia vào quá trình khảo sát, ký biên bản khảo sát hiện trạng tài sản và thu thập số liệu về thông số của tài sản thẩm định giá và các tài sản so sánh (nếu sử dụng các tài sản so sánh). Chụp ảnh các tài sản theo dạng toàn cảnh và chi tiết. Đối với từng loại tài sản cụ thể thẩm định viên cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của tài sản thẩm định giá và tiến hành thu thập các thông tin phù hợp với các yếu tố đó, phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá lựa chọn. Các thông tin thu thập được cần được lưu trữ trong hồ sơ thẩm định giá.
3.4. Phân tích thông tin
Sau khi khảo sát thực tế, thu thập thông tin, thẩm định viên cần phân tích toàn bộ các thông tin thu thập được liên quan đến tài sản thẩm định giá và các tài sản so sánh để đánh giá tác động của các yếu tố đến kết quả thẩm định giá cuối cùng. Trong đó cần phân tích những thông tin về đặc điểm của tài sản (pháp lý, kinh tế - kỹ thuật); về thị trường của tài sản thẩm định giá: cung- cầu; sự thay đổi của chính sách, pháp luật; sự phát triển của khoa học, công nghệ và các yếu tố khác và về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất.
3.5. Xác định giá trị tài sản thẩm định giá
Căn cứ các cách tiếp cận thẩm định giá quy định tại các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành, thẩm định viên phân tích và lựa chọn các phương pháp thẩm định giá phù hợp với mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị của tài sản, mức độ sẵn có của các dữ liệu, thông tin để áp dụng các phương pháp thẩm định giá và phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan (nếu có).
Thẩm định viên áp dụng từ 02 phương pháp thẩm định giá trở lên đối với một tài sản thẩm định giá để đối chiếu kết quả và kết luận chính xác về kết quả thẩm định giá trừ trường hợp thực hiện theo quy định khác của pháp luật chuyên ngành. Khi áp dụng nhiều phương pháp thẩm định giá, thẩm định viên cần đánh giá và chỉ rõ phương pháp thẩm định giá nào là phương pháp thẩm định giá chính, phương pháp thẩm định giá nào được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu, từ đó phân tích, tính toán để đi đến kết luận cuối cùng về kết quả thẩm định giá.
Trong trường hợp sử dụng phương pháp so sánh nhưng chỉ có 02 (hai) tài sản so sánh thì kết quả thẩm định giá của phương pháp so sánh chỉ được dùng để kiểm tra, đối chiếu với kết quả thẩm định giá có được từ các phương pháp thẩm định giá khác.
Thẩm định viên được sử dụng 01 (một) phương pháp thẩm định giá trong các trường hợp: (i) Áp dụng phương pháp so sánh khi có nhiều số liệu từ các giao dịch (tối thiểu 03 giao dịch) của các tài sản so sánh trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá; (2) Không có đủ thông tin để áp dụng 02 (hai) phương pháp thẩm định giá trở lên và đưa ra căn cứ thực tế chứng minh cho việc không thể khắc phục được những hạn chế về thông tin này.
3.6. Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan
Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá được lập theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính. Thẩm định viên cần xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm ban hành chứng thư thẩm định giá; xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá, biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực. Báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá sau khi được doanh nghiệp thẩm định giá hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ký phát hành theo đúng quy định của pháp luật được chuyển cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã được ký kết.
3.7. Hồ sơ thẩm định giá
Kết thúc cuộc thẩm định giá, thẩm định viên lập hồ sơ lưu trữ thẩm định giá để chứng minh quá trình thẩm định giá đã được thực hiện theo đúng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các quy định của pháp luật về giá có liên quan. Hồ sơ thẩm định giá được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về lưu trữ. Thời hạn lưu trữ tối thiểu là 10 (mười) năm đối với hồ sơ thẩm định giá bằng giấy và lưu trữ vĩnh viễn đối với dữ liệu điện tử.